Nghệ thuật Ca trù

Nghệ thuật Ca trù Xôi chè cúng | Đặt xôi chè cúng LH Công Ty CP DV Đồ Cúng Tâm Linh

 Lễ vật cúng đầy tháng | cúng đầy tháng |Cúng đầy tháng bé gái | Cúng đầy tháng bé trai | Ngày cúng đầy tháng

Nghệ thuật Ca trù

Giới thiệu nghệ thuật ca trù


Ca trù là một môn nghệ thuật lâu đời, tồn tại ít nhất cách đây 700 năm (Có tài liệu cho rằng hơn 1000 năm). Trước đây, Ca trù được coi là một môn nghệ thuật tao nhã, sang trọng và kén người nghe. Sau một thời gian bị lãng quên hơn nửa thập kỷ, Ca trù đã dần hồi sinh. Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu những nét sơ lược về bộ môn nghệ thuật Ca trù !

1. Tại sao gọi hát ả đào là Ca trù?
Sách ca trù bị khảo : Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát Thẻ gọi là Trù, làm bằng tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng Ả đào thay tiền mặt. Khi hát quan viên thị lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào Ả đào hát hay bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng thưởng một tiếng chiêng rồi thưởng luôn một cái Trù. Đến sáng đào nương cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù,mà trị giá mỗi trù ấn định là 2 kẽm tiền, thì làng phải trả cho 10 quan tiền . Vì thế hát ả đào gọi là Ca trù, nghĩa là hát thẻ.
2 . Vì sao gọi người hát là Ả đào ?
Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ : Đời Vua Lý Thái Tổ ( 1010-1028) có người ca nhi là Đào thị tài nghệ giỏi và hát hay, từng dược nhà vua ban thưởng. Sau người ta một danh tiếng Đào thị nên con hát đều gọi là Đào Nương Sách Công Dư Tiệp Ký : Cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nhi họ Đào, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là Ả đào. Ả đào là thành viên quan trọng của tiệc ca trù, vai trò của ả đào là làm ca sĩ cho tiệc hát nhưng khác với các ca sĩ khác là vừa hát vừa gõ phách.
3 . Giáo Phường là gì ?
Ngày xưa Ả đào và kép ở chung phường xóm để luyện hát múa cho tiện, chổ ả đào ở gọi là Giáo Phường nghĩa là phường xóm dạy những người đi hát. Giáo phường là một tổ chức của hát ca trù gồm nhiều họ. Sách Đường Thư : Đời nhà Đường ( 618_906) đặt chức quan Tả, Hữu Giáo Phường chuyên trông coi việc ca xướng, lại đặt chức Trung quan để cai trị các Giáo Phường. Sách Khâm Định Việt Sử : Năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đặt quan Ty chính để trông coi các Giáo Phường . Năm Vĩnh Tộ nguyên niên (1620) vua Lê Thần Tông định lại thuế lệ, những người trai tráng khoẻ mạnh mà không đi tòng quân mỗi năm phải đóng thuế 3 quan tiền : Tăng đạo và Giáo Phường mỗi người phải đóng thuế một quan tiền. Sách Lịch triều hiến chương : Đời nhà Lê, ngày sinh nhật vua Giáo Phường tấu khúc nhạc Văn Quang ở trên điện Vạn Thọ. Khi Hoàng tử lên ngôi, Giáo phường tấu khúc nhạc Thanh thiều ở trước sân rồng.
4. Vì sao người chơi đàn gọi là kép ?
Sách Khâm định Việt Sử : Năm Thuận thiên thứ 16 (1025) vua Lý Thái Tổ đặt chức giáp cho bọn ca nhi. Sau những người gẩy đàn giỏi và có tín nhiệm được cử ra trông coi trật tự ở Giáo Phường, gọi là Quản Giáp. Quản giáp phiên âm chệch ra thành tiếng Kép. Sách Vũ trung tuỳ bút, thiên nhạc biện, gọi Quản Giáp là kép, Đào nương là Cô đầu . Sách ở Giáo Phường ngày xưa cử đào kép đi hát các đình đàm đều viết Giáp là Kép. Đào là Cô Đầu.
5. Vì sao gọi là Đàn Đáy :
Sách Ca trù bị khảo : Khi hát ở cửa đền, người kép lấy lụa đeo đàn vào người để đứng mà gẩy cho đỡ mỏi nên gọi là đàn Đáy. Tiếng đáy do chữ Đới nghĩa là đeo, phiên âm chệch ra. Sách Vũ Trung tuỳ bút : Mỗi khi người Quản Giáp đến Nhạc Đường, lấy cái khăn nhiễu điều quang vào lưng để đeo đàn đáy đứng gảy, cùng ả đào xướng họa theo với điệu hát lên xuống mà đàn ứng theo. Truyện đất Tổ : Đời nhà Lê, Đinh lễ chế ra một cái đàn không có đáy để gẩy theo điệu hát ả đào,khúc hát cuồn cuộn như nước chảy ra biển không đáy. Sau người ta bỏ chữ không, chỉ còn chữ đáy nên gọi là đàn đáy.
6. Vì sao người đánh trống gọi là Cầm chầu ?
Sách Ca trù bị khảo : Theo Lê triều hội Điển Khi triều đình đại lễ có đặt một viên Tửu Lệnh và một viên Cổ lệnh. Viên Tửu Lệnh phải am hiểu lễ nghi, tay cầm gươm để trông coi nhân viên hành lễ. Viên cổ lệnh phải tinh thông âm nhạc tay cầm dùi trống để điều khiển nhã nhạc.
Đến khu Chúa Trịnh cầm quyền, trong phủ lục yến ẩm có ban Nữ nhạc giúp vui. Chúa cử một viên quan tinh thông âm nhạc làm chức Cổ lệnh. Viên cổ lệnh tay cầm dùi trống đứng ở sân chầu, đánh trống ra hiệu lệnh cho bọn Nữ nhạc múa hát, hay dở được quyền thưởng phạt. Vì viên Cổ lệnh cầm dùi trống đứng ở sân chầu đánh trống nên người ta gọi người đánh trống là Cầm chầu hay Đánh Chầu.
7. Vì sao gọi người đi nghe hát là Quan Viên ?
Sách Ca trù bị khảo : Lệ xưa con các quan từ Án sát trở lên, dẫu không đỗ đạt cũng được triều đình tặng cho Ấm tử. Chức Ấm tử được miễn hết sưu thuế, tạp dịch. Con các quan Phủ, Huyện gọi là Quan Viên tử, được miễn tạp dịch trong làng. Người ta gọi người nghe hát là Quan Viên có ý ám chỉ đó là hạng phong lưu công tử. Lại có thuyết nói Quan Viên là những bậc phong lưu đi du quan thưởng thức.

Hoàng Anh Đức
Hát ca trù phục vụ nghi lễ tín ngưỡng

Đây là những hình thức sinh hoạt Ca trù phục vụ cho nhu cầu nghi lễ, tín ngưỡng. Đứng về mặt chức năng xã hội, các hình thức sinh hoạt này mang tính thực hành xã hội chứ không phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật đơn thuần. Trong dàn nhạc lúc này, luôn có sự góp mặt của các nhạc cụ nghi lễ quan trọng như cồng, trống cái.
+Hát cửa đình (cửa đền): Đây là hình thức sinh hoạt ca trù phục vụ cho nghi lễ phụng thờ thánh thần ở các đình hay đền làng sở tại. Như đã biết, trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, với cái phong hóa "phép vua thua lệ làng", có thể hiểu được vai trò độc lập tương đối của từng cộng đồng làng xã. Bởi vậy, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi đây có giá trị như một phần quan trọng của thiết chế văn hóa địa phương. Trong đó, các lễ hội làng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Thời xưa, Hát cửa đình thường xuyên được tổ chức vào lễ nhập tịch thường niên hay các dịp lễ hội khác của làng xã. Bởi vậy, có thể coi Hát cửa đình là những cuộc diễn xướng - hành nghề mang tính định kỳ của các giáo phường. Đây là cơ hội kiếm sống quan trọng nhất của đào kép. Tất nhiên bên cạnh những lề lối chung của cuộc hát tế lễ, giáo phường phải đặt định ra những lời ca, làn điệu sao cho phù hợp với điển tích của chư vị thánh thần đình đền sở tại. Trong hình thức sinh hoạt này, bên cạnh nghệ thuật âm nhạc, các nghệ sĩ Ca trù còn trình diễn đồng bộ cả nghệ thuật múa. Trong đó, nhiều tiết mục còn mang tính trò diễn sân khấu, như một sự dâng hiến trọn vẹn tài năng nghệ thuật cho các đấng thần linh. Bởi vậy, Hát cửa đình bao giờ cũng là một cuộc trình diễn có quy mô lớn nhất của nghệ thuật Ca trù. Theo Việt Nam phong tục , trong dịp Hát cửa đình, mỗi giáo phường thường phải cử một đoàn đông tới hai ba chục người bao gồm đào kép cả già lẫn trẻ. Họ phải thay nhau diễn xướng bởi cuộc hát thường kéo dài tới vài ba ngày. Thậm chí có những dịp lễ hội lớn, họ có thể phải múa hát suốt một tuần lễ. Như đã trình bày, với dữ kiện mỗi giáo phường trung bình cai quản 20 cái đình thì có thể hình dung những dịp lễ hội đầu xuân, công việc làm ăn của họ sẽ bận rộn đến như thế nào.
Ở đây, cần phải thấy rằng Hát cửa đình đã thực sự vượt tầm một hình thức âm nhạc tế lễ, tín ngưỡng đơn thuần. Điều đó có nghĩa bên cạnh tính thực hành xã hội, Hát cửa đình còn biểu hiện một phần chức năng phục vụ nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của cộng đồng. Người ta đi dự lễ tế thành hoàng làng không chỉ đơn thuần vì nhu cầu tín ngưỡng mà còn để xem các đào kép biểu diễn nghệ thuật. Tất nhiên, đó không phải là sự thụ hưởng nghệ thuật thuần túy bởi không gian văn hóa của Hát cửa đình là cuộc tế lễ thánh thần. Bởi vậy, chỉ nên coi đây là sự giao lồng giữa 2 chức năng văn hóa xã hội của Hát cửa đình.
So với các hình thức sinh hoạt khác, bên cạnh những đặc điểm chung của thể loại, Hát cửa đình bao giờ cũng có những lề lối, trình thức riêng với hệ thống bài bản chuyên dùng. Đặc điểm đó hình thành bởi chính môi trường tế lễ tín ngưỡng của hình thức sinh hoạt này. Chẳng hạn ở đây, người ta không được hát những bài tình tứ, lẳng lơ. Điệu bộ đào kép phải nghiêm trang, giọng hát phải đĩnh đạc, dõng dạc để đám đông khán giả nghe được rõ ràng. Để làm được điều đó, đào kép luôn cố gắng hát ở tầm cỡ âm khu cao tối đa nhằm phát huy hết mức cường độ của giọng hát. Hẳn vì thế mà trong lối Hát cửa đình, giọng hát của nam giới (kép) luôn được chú trọng(?). Thậm chí có những làn điệu chỉ giành cho nam hát như điệu Hát giai.
Trong nghi thức Hát cửa đình, có những trình thức nghi lễ kép đàn buộc phải diễn tấu trong tư thế đứng nên đàn đáy được buộc dây lụa quàng ngang vai. Do vậy, nhiều người cho rằng tên gọi đàn đáy là "do chữ đới nghĩa là đeo, phiên âm chệch ra" . Trong phần nhạc đệm cho múa, bên cạnh đàn đáy, quản giáp và các đào kép còn chơi thêm cả đàn nhị, sáo... cùng một số loại trống phách tăng cường .
Theo thông lệ, trong sinh hoạt Hát cửa đình, tiền công cho giáo phường được làng xã quy ước theo một khoản nhất định nào đó, nhưng thường là không nhiều. Còn phần lớn giá trị tiền thù lao nghệ thuật được chi trả theo thể thức hát thẻ. Trong suốt quá trình diễn xướng, lúc nào đào kép hát hay, đàn ngọt, phách giòn, quan viên cầm trống chầu (trống cái) sẽ gõ một tiếng "cắc" vào tang trống báo hiệu, quan viên đánh cồng liền gõ một tiếng phụ họa theo. Một người chức dịch khác sẽ rút một chiếc thẻ ném vào trong cái chậu thau bày sẵn sau hương án. Kết thúc cuộc hát, người ta sẽ đếm số thẻ có trong chậu để quy ra tiền công cho đào kép. Ở đây, mỗi thẻ trị giá bao nhiêu tiền đã được giáo phường và làng xã thống nhất từ trước. Thường người ta ghi ngay số tiền trên mỗi chiếc thẻ tre.
Điểm đáng chú ý là theo truyền thống, vật dụng đựng thẻ thưởng của giáo phường bao giờ cũng là một cái chậu thau bằng đồng. Mục đích để khi quan viên ném chiếc thẻ sẽ phát ra tiếng động, đào kép nghe tín hiệu biết mà phấn chấn tinh thần, đàn hát "hết mình" hơn! Thành thử có nhiều nơi, người ta đặt chiếc chậu đựng thẻ ngay sau lưng đào kép, hẳn là để họ nghe cho rõ! Nhân đây xin nói thêm về phương thức trả tiền công bằng thẻ thưởng.
Ở đây, hãy tưởng tượng nếu làng xã chỉ gói gọn tiền công cho đào kép trong một khoản nào đó (dạng "khoán gọn") thì các nghệ sĩ sẽ "khó có thể" diễn xướng hết mình! Bởi có đàn ngọt hát hay đến mấy thì số tiền thù lao cũng chỉ có vậy(!). Mà bản chất của âm nhạc Ca trù là nghệ thuật ngẫu hứng ứng tác tại chỗ. Theo đó các dị bản được trình bày hay - dở, dài - ngắn như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người nghệ sĩ. Nếu dùng cách thức thưởng trực tiếp bằng thẻ cho từng phân đoạn trình diễn cụ thể, chắc chắn đào kép sẽ phải diễn tấu hết mình để bộc lộ tài năng cá nhân. Bởi số tiền thù lao ít hay nhiều hoàn toàn tùy thuộc vào sự cống hiến tại chỗ của họ. Làm tốt hưởng nhiều, làm dở hưởng ít. Đây quả là một phương thức kích thích nghệ thuật trực tiếp khá độc đáo. Theo đó, cộng đồng khán giả làng xã dĩ nhiên có nhiều cơ hội hơn để thụ hưởng tài năng của đào kép ở mức độ tối đa. Tất nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ lại tùy thuộc vào trình độ tương đồng của cả nghệ sĩ lẫn khán giả trong mối quan hệ 2 chiều. Mà đại diện cho khán giả chính là vị quan viên đánh trống chầu (tức cầm chầu).
Ở đây, người cầm chầu là một nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong buổi hát. Về lý mà nói, nếu ông ta có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao thì số thẻ thưởng sẽ hoàn toàn tỷ lệ thuận với trình độ nghệ thuật của đào kép. Nhưng nếu ông ta là người không thật sành điệu thì vấn đề sẽ trở nên "khó lường", nhiều khi thành chuyện khôi hài. Có khi đào kép biểu diễn xuất sắc thì lại được thưởng ít, và ngược lại, có khi đào kép thuộc hạng "thường thường bậc trung" thì lại được thưởng nhiều..!
Mặt khác, cần thấy rằng thông qua tiếng thẻ ném vào chậu, đào kép luôn ý thức rõ sự chi trả "công bằng" hay không của đám quan viên làng xã. Do vậy, số lượng thẻ thưởng tại chỗ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng buổi trình diễn. Cụ thể, có những tình huống đào kép đã cố gắng đàn hát rất hay mà quan viên cầm chầu không điểm thưởng; hay điểm trống thưởng rồi mà không chịu ném thẻ vào chậu. Trong đó, việc không điểm trống thưởng là do người cầm chầu không đủ trình độ thưởng thức nghệ thuật hoặc giả ông ta tiếc tiền của làng. Tất cả những yếu tố đó tất làm cho các nghệ sĩ dễ bị mất hứng, ảnh hưởng ngay đến chất lượng của tiếng đàn câu hát tiếp theo.
Nói chung, phương thức "tính thẻ" luôn khiến cho cuộc trình diễn trở nên hết sức sống động và hấp dẫn. Nó đặt khán giả vào tình trạng "nhập cuộc" với nghệ sĩ biểu diễn. Bởi tiếng trống chầu bên cạnh vai trò tính tiền thưởng còn có giá trị như một phần của âm nhạc Ca trù. Trong một không gian trình diễn "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" như vậy, nếu người quan viên cầm chầu không điểm câu báo kết đúng lúc, đúng chỗ tất sẽ bị đám đông chê cười. Hơn nữa, nó cũng khiến cho đào kép cụt hứng.
Nói tóm lại, vị quan viên cầm chầu luôn đóng vai trò chức năng kép. Vừa đại diện cho khán giả, vừa làm một diễn viên đánh trống, họ luôn là đối tượng để cả dân làng và các nghệ sĩ "soi mói". Và, vị quan viên này phải đủ cả trình độ và sự công bằng để giữ thể diện cho làng xã! Bởi vậy, trước mỗi cuộc Hát cửa đình, hội đồng chức dịch phải họp bàn để đặt định một người cầm chầu xứng đáng.
Đến đây, đã có thể hiểu tại sao hình thức trả tiền theo thẻ lại được phổ biến hơn dạng "khoán gọn kinh phí". Và, không phải vô cớ mà phương thức thanh toán đó còn được phổ biến ra nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác như Chèo và Tuồng. Có thể nói, sinh hoạt tính thẻ thưởng cho đào kép là sự biểu hiện tính hàng hóa của các giá trị nghệ thuật. Điều đó cũng có nghĩa ngay khi thực hành nghi lễ phụng thờ thánh thần, con người vẫn tự đặt cái TÔI của mình trong nhu cầu khoái cảm nghệ thuật. Thậm chí nhu cầu đó đôi lúc còn tỏ ra nổi trội hơn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng.
Ở đây, nảy sinh một vấn đề là hình thức Hát cửa đình gắn với ngôi đình người Việt. Vậy phải chăng trước khi có sự xuất hiện của ngôi đình (thế kỷ 15) thì người Việt chưa biết đến thể loại âm nhạc này?
Chúng tôi cho rằng, trước khi ngôi đình có mặt trong thiết chế văn hóa cộng đồng, người Việt ắt hẳn phải phụng thờ thần thánh ở một địa điểm thờ tự công cộng nào đó như đền, hay chí ít là miếu. Và, hình thức sinh hoạt âm nhạc này hẳn đã tồn tại trước khi ngôi đình ra đời để phục vụ cho các cuộc tế lễ ở cửa đền, cửa miếu. Bởi vậy cho đến nay, nhiều tài liệu vẫn còn gọi hình thức sinh hoạt ca trù phục vụ nghi lễ tín ngưỡng là Hát cửa đền. Như vậy, thuật ngữ Hát cửa đình chỉ là tên gọi muộn hơn mà thôi.
Có thể nói Hát cửa đình là hình thái biểu hiện sống động nhất mối quan hệ giữa cộng đồng làng xã thời phong kiến với cộng đồng các nghệ sĩ giáo phường. Như đã biết, trong xã hội phong kiến, tế lễ thánh thần là một nhu cầu quan trọng và không thể thiếu trong đời sống của các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Trải theo thời gian, thứ âm nhạc dùng trong các nghi thức đó đã dần nâng tầm nghệ thuật. Tới mức người dân không thể tự thực hành mà chỉ các nghệ sĩ giáo phường mới có thể đảm trách. Theo đó, mối quan hệ 2 chiều cung - cầu cũng dần được hình thành với sự thể hiện bằng những văn bia, khế ước có giá trị như hợp đồng kinh tế. Giới nghệ sĩ giáo phường thì buộc phải phụ thuộc vào từng cộng đồng lãng xã bởi đấy là "khách hàng" - là nguồn sống của họ. Còn xã hội phong kiến một mặt không thực sự trân trọng giới những người "xướng ca vô loài" song mặt khác vẫn phải phụ thuộc vào họ bởi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật. "Ghét nhưng mà thích", xét nét nhưng vẫn có sự quý trọng nhất định - đó là một tâm thức có thật trong xã hội! Lịch sử đã từng ghi nhận trường hợp nhiều vua quan đã "vượt rào" lấy đào nương làm vợ; hay chuyện trong những cuộc Hát cửa đình, đến phần đốt bài văn tế (phần chúc), theo nghi thức, các đào nương phải múa lượn xung quanh (gọi là múa xén) đến khi tàn ngọn lửa mới thôi. Do vậy, nhiều quan viên chơi khăm đào nương bằng cách cố tình vê chặt bài văn tế lại để khi đốt tờ giấy cháy thật lâu, khiến cho đào nương buộc phải múa đến mỏi nhừ ; hay chuyện quan viên buộc sợi chỉ vào thẻ thưởng để khi ném vào chậu thau đồng cho đào kép nghe thấy xong rồi lại kéo về. Thành thử đào kép khi trình diễn nghe thấy nhiều tiếng thẻ ném cứ tưởng là làng thưởng nhiều nên càng đàn hát hăng say hơn. Theo chuyện kể của lão nghệ nhân Bùi Thị Vịnh (đào nương giáo phường Hải Dương), có lần đi Hát cửa đình, bà đếm được 90 tiếng thẻ ném vào chậu thau nhưng sau khi cuộc hát kết thúc đếm lại chỉ có 20 thẻ (!) Đó quả thật là những câu chuyện dở khóc dở cười của cái nghiệp đàn ca!..
+Hát thờ tổ:
Đây là hình thức hát Ca trù phục vụ nghi thức tế lễ tổ nghề. Nó là sinh hoạt thường niên của nội bộ giới nghề. Theo thông lệ, các giáo phường lân cận trong một vùng thường rủ nhau cùng tổ chức, ít khi làm riêng rẽ. Tùy theo hoàn cảnh từng nơi mà người ta sẽ tiến hành lễ tế tổ ở những địa điểm khác nhau. Nơi nào không có đền thờ tổ thì sẽ phải mượn đình hay đền làng sở tại. Nếu không, nhà thờ họ của gia đình một ông trùm cũng có thể được chọn làm nơi hành lễ . Nói chung, việc lựa chọn địa điểm đều do hội đồng các ông trùm phường quyết định. Họ họp nhau lại bầu ra một người có uy tín hay từng trải nhất để cắt đặt công việc gọi là Trùm nhất (Thủ khoán). Phường sở tại thường phải lo chuẩn bị đồ tế tự và sắp đặt bánh trái cỗ bàn để tiếp khách, còn các phường ở xa thì góp tiền .
Ngày chính lễ tế tổ của nhiều giáo phường thống nhất là 11 tháng chạp âm lịch . Mỗi cuộc tế thường kéo dài tới 3 ngày. Theo Việt Nam Ca trù biên khảo, ngày 10 tháng chạp là lễ cáo yết, ngày 11 là chính kỵ, ngày 12 lễ tạ. "Trước ngày giỗ độ một tháng, các trùm họp nhau lại cắt đặt đào kép giỏi mọi nơi về hát thờ, đào kép dầu ở cách xa mấy, mà giáo phường đã cắt đặt cũng phải tìm về hát. Những người được về hát thờ coi đó là một sự vinh hạnh, giáo phường gọi là được dự Chầu cử" . Ở đây, nếu chúng ta coi giáo phường như một cộng đồng làng xã của những người nghệ sĩ Ca trù thì lễ tế Thần tổ nghề được xem như lễ tế "thành hoàng làng" của họ. Bởi vậy, về cơ bản lễ tế tổ Ca trù cũng có trình thức giống với lễ tế thành hoàng làng. Điều đó có nghĩa nghi thức Hát thờ tổ giống với nghi thức Hát cửa đình. Điểm khác biệt cơ bản chỉ ở chỗ phần mở đầu của Hát thờ tổ, đào kép phải trình tấu 2 khúc ca Non mai và Hồng hạnh. "Tương truyền chính bà Bạch Hoa Công chúa đã làm ra 2 khúc Non mai, Hồng hạnh nên cô đầu chỉ dành khi hát thờ bà mới hát, ngoài ra không bao giờ hát khúc ấy ở đền miếu khác và cũng không dám hát cho ai nghe" .
Cũng như các ngành nghề khác, ngày tế lễ tổ nghề của Ca trù là dịp để các nghệ sĩ giáo phường đua tài khoe sắc báo công với thần tổ. Các giáo phường thường cắt đặt những đào kép giỏi nhất về tham dự bởi bên cạnh vấn đề tín ngưỡng, đây còn là dịp tốt để giới nhà nghề gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Mối quan hệ "cùng hội, cùng thuyền" giữa các giáo phường cũng được gắn bó hơn trong dịp tế tổ. Nó giống như một sợi dây liên kết được "thắt chặt" định kỳ hằng năm. Và, đó thực sự là một ngày hội thường niên của giới nghề. Bởi vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, có thể hiểu tại sao hệ thống các giáo phường Ca trù lại có sức bền vững với sự lan tỏa rộng khắp các vùng miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
                                                                                                     Bùi Trọng Hiền